Lịch sử của nước hoa - "Môn nghệ thuật thứ Tám"
1. Nước hoa ra đời như thế nào?
Cách gọi “nước hoa” trong tiếng Việt khiến chúng ta liên tưởng ngay đến một dung dịch - nhưng thực tế, từ parfum trong tiếng Pháp có nguồn gốc Latinh là perfumare, hay per fumus, có nghĩa là “qua làn khói”. Theo các thư liệu cổ, từ hơn 4000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu biết đốt các loại gỗ thơm và thảo mộc để tạo ra mùi thơm trong các nghi thức c.úng bái thần linh, họ xem hương thơm như một loại ngôn ngữ để bày tỏ lời nguyện cầu và lòng thành kính. Những niềm tin và nghi thức tương tự cũng diễn ra ở vùng Lưỡng Hà và Trung Hoa cổ đại. Khi các quốc gia này phát triển, hương liệu là một trong số những nguyên vật liệu được giao thương sôi động nhất. .
Trải qua thời gian, các loại hương liệu được áp dụng nhiều hơn cho các mục đích sinh hoạt cá nhân dưới dạng túi thơm, găng tay hoặc khăn tay tẩm hương. Người Arab và Ba Tư đã bắt đầu phát triển các kỹ thuật chưng cất, tách chiết tinh dầu từ các loài hoa từ khoảng thế kỷ IX-X. Trong thế kỷ XIII-XIV, người Ý, người Hungary và Pháp đã phát triển các công thức pha trộn dầu thơm với cồn. Vùng Sicily của Ý, vùng Grasse của Pháp trong thế kỷ XVIII là những thủ phủ canh tác các loại thảo mộc và hương liệu cho nước hoa, và biến hai quốc gia này trở thành trung tâm sáng tạo, giao thương nước hoa cho đến tận ngày nay.
2. Sự phát triển của những mùi hương
Khi kỹ thuật chiết tách và sự hiểu biết của về tinh dầu và các hợp chất có hương ngày càng hoàn thiện, nước hoa bắt đầu phát triển lên một tầm cao hơn, không chỉ để tạo mùi, mà còn là một cách thể hiện phong cách. Lịch sử từng chia nước hoa thành nhóm “mainstream”, tức những chai nước hoa của những thương hiệu lớn và “niche”, những sáng tạo của các nhà điều chế hương độc lập và chỉ có thể được tìm thấy ở một số điểm bán nhất định (và thường khá hạn chế). .
Tuy nhiên, dòng chảy của lịch sử đã dần xoá nhoà ranh giới đó. Ví dụ, khi Coco Chanel sáng tạo ra những chai nước hoa đầu tiên, lúc đó nước hoa Chanel chỉ là một sản phẩm thời trang mang tính giới hạn, nhưng nước hoa Chanel của nhà mốt này hiện tại đã trở thành chính thống. Việc mua bán - sát nhập của những công ty, tập đoàn lớn trong ngành hương thơm cũng đem đến sự thay đổi sâu sắc của nhiều thương hiệu nước hoa, trong đó có sự biến mất của một số loại, và dĩ nhiên, sự ra đời của một số khác. Ví dụ như LVMH khi mua lại Fendi đã bỏ đi dòng nước hoa của nhãn hiệu này, hoặc vài năm gần đây, Jo Malone nổi lên nhanh chóng, bước ra khỏi định nghĩa của “niche”, và các tín đồ yêu thích những mùi hương độc đáo, không phổ biến lại tiếp tục cuộc săn tìm những mùi hương mới hơn.
3. Khoa học đã thay đổi mọi thứ - kể cả ngành nước hoa
Sau những thành công trong việc tách chiết mùi hương từ tự nhiên, một lần nữa, khoa học đưa ngành sáng tạo nước hoa đến một tầm cao hơn: những hương liệu tổng hợp. Việc khám phá ra cấu trúc phân tử của các mùi hương đã dẫn đến những nỗ lực mô phỏng và tổng hợp các phân tử này trong phòng thí nghiệm.
Điều này đã mở ra vô số những khả năng, những mùi hương mới, những công thức hương đặc biệt, đồng thời giảm áp lực khai thác tự nhiên. Long diên hương (Ambergriss) là một ví dụ điển hình - nguồn gốc của mùi hương này đến từ sản phẩm từ phần ruột của một con cá nhà táng bị bệnh. Việc khai thác long diên hương vì thế đe doạ loài động vật này, vốn dĩ đã có số lượng đang suy giảm. Nhiều quốc gia cấm khai thác long diên hương, và việc điều chế thành công mùi hương này trong phòng thí nghiệm đã giúp ích rất nhiều, vì mùi ambergriss gần như không thể thiếu nếu chúng ta muốn tạo ra một chai nước hoa có cảm hứng đại dương, một mùi hương thanh mát và tươi tắn.
Sử dụng hương tổng hợp cũng giúp giảm chi phí, giúp nước hoa trở thành một sản phẩm dễ tiếp cận hơn trước đây. Tuy nhiên, một số mùi hương vẫn được khai thác từ tự nhiên, và gần như không thể thay thế. Mùi hương của các loài hoa, vốn dĩ là sự kết hợp của nhiều chất hoá học khác nhau, sẽ không đảm bảo được tính “trọn vẹn” nếu được tổng hợp trong ống nghiệm. Mặc dù vậy, những tiến bộ của khoa học đã đem lại một không gian rộng rãi hơn rất nhiều cho các sáng tạo hương thơm, và sự phát triển của ngành nước hoa cũng góp phần thúc đẩy tốc độ nghiên cứu. Nhà hoá học đạt giải Nobel năm 1939 người Croatia, Leopold Ružička đã chỉ ra “xuyên suốt lịch sử, nghiên cứu nước hoa đã đóng góp một cách bền vững và hệ thống vào sự phát triển của hoá học hữu cơ.”